Những lời tử tế có thể ngắn ngủi và dễ nói,
nhưng tiếng vang của chúng quả thực là vô tận.
- Mẹ Theresa
Đi học về, bé Sussie 6 tuổi thấy mẹ đang bận rộn
trong bếp, em lại gần và hỏi:
- Con chào mẹ, mẹ đang làm gì đó?
- Mẹ đang làm món thịt hầm cho bác Smith hàng
xóm của chúng ta - mẹ cô bé trả lời.
- Nhưng sao mẹ phải làm vậy? Sussie lại hỏi.
- Vì bác Smith đang rất đau buồn; con gái bác vừa
qua đời và giờ đây trái tim của bác Smith đang tan vỡ
đó con ạ! Chúng ta cần phải quan tâm đến bác ấy một
chút.
- Sao lại phải thế hả mẹ?
Mẹ Sussie dừng tay và ôn tồn nói với con:
- Như con thấy đó, Sussie, khi ai đó đang đau buồn,
đang rất đau buồn, họ sẽ không tha thiết đến bất kỳ
chuyện gì nữa, ngay cả những công việc hàng ngày như
nấu bữa tối hay những việc lặt vặt khác. Vì chúng ta
đang sống chung với nhau trong một cộng đồng. Vả lại,
bác Smith còn là hàng xóm của nhà mình nữa nên chúng
ta lại càng phải làm gì đó để giúp bác ấy. Bác Smith sẽ
chẳng bao giờ còn có thể nói chuyện với con gái mình
được nữa; bác ấy sẽ chẳng còn có thể ôm con gái vào
lòng và cũng không thể cùng con gái mình làm những
công việc tuyệt vời khác như bao bà mẹ và các con gái
của họ thường cùng làm với nhau. Con là đứa trẻ thông
minh mà, đúng không Sussie? Có lẽ con sẽ nghĩ ra cách
nào đó để tỏ lòng quan tâm đến bác Smith được không?
Sussie suy nghĩ rất nhiều về lời mẹ nói và cô bé cố
gắng nghĩ cách giúp bác Smith. Vài phút sau, Sussie
đến gõ cửa nhà bác.
- Chào cháu, Sussie! bác Smith khẽ nói khi ra mở
cửa cho Sussie.
Sussie nhận thấy rằng giọng nói của bác Smith
không vang lên những âm điệu quen thuộc như em
vẫn thường nghe thấy trước kia khi bác ấy lên tiếng
chào ai đó. Sussie còn thấy mắt bác Smith đỏ mọng và
sưng lên, chắc chắn bác ấy phải khóc nhiều lắm.
- Có chuyện gì không vậy Sussie? bác Smith hỏi.
- Mẹ cháu nói rằng con gái bác vừa mất và bác đang
rất, rất đau buồn với trái tim tan vỡ - Sussie ngập
ngừng xòe bàn tay ra. Trên tay em là một miếng băng
dán vết thương - Cháu nghĩ cái này sẽ có ích cho trái
tim tan vỡ của bác.
Bà Smith sững người và cảm động đến trào nước
mắt. Bà ngồi xuống, ôm chặt bé Sussie vào lòng. Qua
làn nước mắt bà nói:
- Cám ơn cháu. Bác rất cảm ơn cháu. Món quà này
của cháu sẽ giúp cho bác nhiều lắm.
Bà Smith đón nhận cử chỉ nhân ái của Sussie và
không chỉ đơn thuần đón nhận, bà còn tỏ ra rất trân
trọng tặng vật chia sẻ nỗi buồn của em. Bà mua một
dây đeo chìa khóa nhỏ có gắn một khung ảnh bằng
thủy tinh - một vật dụng quen thuộc bấy giờ vừa dùng
để treo chìa khóa vừa để đặt ảnh người mình quí mến
trong gia đình vào đấy. Bà Smith đã đặt miếng băng
dán vết thương của Sussie vào trong khung ảnh để mỗi
lần nhìn thấy nó, bà như được nhắc rằng hãy gắng sức
chữa lành vết thương lòng của mình. Bà cũng hiểu rõ
rằng để làm được việc này phải cần có thời gian và
được nâng đỡ về mặt tinh thần. Và miếng băng dán
của bé Sussie gửi cho bà đã trở thành một biểu tượng
giúp bà vơi đi nỗi buồn đau, trong khi không quên đi
những niềm vui và tình yêu mà bà đã từng chia sẻ với
con gái mình.